Giá thép liên tục tăng từng ngày và thiết lập đỉnh mới khi vượt ngưỡng 17.000 đồng/kg vào ngày 8/5. Với đà tăng này, liệu giá thép có trượt theo “vết xe đổ” năm 2008 - thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính?
BÀI HỌC TỪ 13 NĂM TRƯỚC LẠI ÙA VỀ
Nếu như ở thời điểm đầu năm 2020, giá thép xây dựng chỉ dao động ở mức 11.000 – 12.000 đồng/kg, thì đến cuối năm 2020 đã tăng lên khoảng 15.000 đồng/kg, và đến đầu tháng 5/2021, giá thép đã ở mức trên 17.000 đồng/kg.
Nhìn lại bài học của 13 năm trước – năm 2008, khi đó những tháng đầu năm, giá phôi thép thế giới tăng liên tục, có lúc lên cả nghìn USD/tấn, kéo theo giá thép trong nước tăng cả chục triệu đồng/tấn, lên 22.000 – 23.000 đồng/kg.
Khi giá thép trong nước bắt đầu tăng, nhiều doanh nghiệp thương mại, đại lý thép đổ xô thu gom hàng trữ với số lượng tăng gấp 5-10 lần bình thường; lúc giá đã lên đến “đỉnh”, họ vẫn không chịu bán do hy vọng giá còn tăng tiếp. Tuy nhiên, đến tháng 8/2010, giá phôi thép thế giới đột ngột giảm xuống còn 330 USD/tấn kéo giá thép trong nước cũng giảm mạnh. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp thương mại, kinh doanh thép rơi vào tình cảnh “tán gia bại sản”.
Trong những tháng đầu năm 2021, tình hình cũng đang diễn biến theo chiều hướng tương tự. Giá thép liên tục tăng cao trong quý 1/2021, đặc biệt ở tháng 4/2021, lên đến 40-50% so với quý 4/2020 khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng loại vật liệu này “đứng ngồi không yên”.
Trao đổi với VnEconomy mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, tỏ ra rất lo lắng vì thép là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng, với tốc độ giá thép tăng 40-50% thế này các nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản.
Thậm chí, giá thép tăng nhanh tới mức đã có nhiều ý kiến đặt nghi vấn có sự “bắt tay” giữa các công ty thép, hay có hiện tượng đầu cơ nâng giá mặt hàng này. Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ Công Thương, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành thép, không có cơ sở để kết luận các doanh nghiệp thép “bắt tay” đẩy giá thép lên cao.
Việc găm hàng ở các cơ sở sản xuất lớn khó xảy ra vì kho bãi giới hạn, chi phí, vốn lưu động của ngành thép rất lớn. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xem xét và tình trạng trên nếu có chỉ rơi vào một số đại lý nhỏ chứ không thể ở các cơ sở sản xuất lớn.
Phân tích nguyên nhân giá thép trong nước liên tục tăng trong thời gian qua, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết các yếu tố tác động đến giá thép xây dựng trong nước chủ yếu đến từ việc giá nguyên liệu tăng mạnh. Cụ thể, tháng 3/2021, giá thép phế nội địa tăng 300 đồng/kg, giữ mức 8.850 - 9.100 đồng/kg. Giá thép phế nhập khẩu ở mức 438 USD/tấn. Giá quặng sắt ngày 5/5/2021 giao dịch ở mức 188-190 USD/tấn CFR (tiền hàng cộng cước) cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 50 USD/tấn, tương ứng với mức tăng 25-39% so với đầu tháng 12/2020. Giá phôi nhập khẩu cũng tăng ở mức 17 USD/tấn, đạt 606 - 608 USD/tấn.
GIÁ THÉP CHỊU TÁC ĐỘNG TỪ GIÁ NGUYÊN LIỆU
Lượng phôi thép sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% thị phần, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phôi để điều chỉnh tăng giá, điều này khiến các nước nhập khẩu trong đó có Việt Nam bị động về nguyên liệu. “Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện”, Hiệp hội Thép Việt Nam nhấn mạnh.
Đà tăng giá thép không chỉ đến từ giá nguyên vật liệu tăng cao mà còn đến từ việc thiếu nguồn cung, đặc biệt là thị trường Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, tình hình thương mại căng thẳng giữa các nước trên thế giới, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại cũng là những nguyên nhân tác động đến giá thép.
Nói về nguyên nhân này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết hiện giữa Australia và Trung Quốc đang căng thẳng về quan hệ thương mại hai chiều làm hạn chế lượng nguyên liệu thô từ Australia xuất sang Trung Quốc, nơi cung cấp sản lượng thép lớn nhất toàn cầu. Hơn nữa, nhằm bảo vệ môi trường, Trung Quốc đang cắt giảm sản lượng thép thành phẩm lẫn phôi thép, thép cán nóng. Đây là nguyên nhân khiến giá thép tăng.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ thép năm 2021 có thể tăng từ 3-5% so với năm 2020. Tuy nhiên, thị trường thép sẽ tiếp tục diễn biến khó lường.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia lâu năm trong ngành thép nhận định, trong năm 2021 xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoàng tài chính 2008. Hơn nữa, các chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021. Bởi nước này có nhu cầu nội địa lớn với nhiệm vụ kép phục hồi sau Covid-19 và mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025.
THIẾT LẬP MẶT BẰNG GIÁ MỚI
Hiện nay, nhiều nước đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để vực dậy kinh tế, khắc phục suy thoái hậu Covid-19, song theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không phải chỉ trong một thời gian ngắn mà các quốc gia có thể ồ ạt đầu tư xây dựng đến nỗi khan hiếm thép dẫn đến tăng giá nhanh chóng như hiện nay. Giá thép tăng mạnh chủ yếu do thiếu cân đối trong vấn đề sản xuất, đối ứng cung - cầu thép của Việt Nam.
Về vấn đề này, trong kiến nghị gửi lên Chính phủ xem xét việc giảm thuế nhập khẩu, một số nguyên liệu đầu vào của ngành thép mới đây, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, năng lực sản xuất của thép xây dựng hiện nay khoảng 14 triệu tấn/năm, bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
“Về năng lực nguồn cung thì thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu”, văn bản kiến nghị nêu rõ.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường gần đây của thị trường thép thế giới gây ảnh hưởng đến giá sản phẩm thép trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có Công văn số 27/2021/HHTVN khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên cung cấp thông tin về công suất nhà máy, kế hoạch sản xuất bán hàng trong quý 2/2021 và dự kiến cả năm 2021 để tổng hợp, báo cáo với cơ quan nhà nước và truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng thép góp phần đảm bảo bình ổn thị trường thép trong nước trong thời gian tới.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.
Theo dõi và xem xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.
GIÁ THÉP TRONG NƯỚC CHỊU NHIỀU ÁP LỰC
"Giá thép liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do ảnh hưởng của thị trường nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, thị trường chiếm gần 60% sản lượng thép thô toàn cầu.
Các yếu tố chính đang chi phối thị trường này làm ảnh hưởng tới giá thép toàn cầu đó là: nguồn cung thép thắt chặt theo chính sách của Chính phủ Trung Quốc về kiểm soát ô nhiễm; thông tin giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% để giảm sản lượng xuất khẩu thép; chi phí sản xuất thép của Trung Quốc năm 2020 cao hơn so với các quốc gia, làm cho nhập khẩu bán thành phẩm (thép thô) của nước này đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào quý 3/2020.
Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, đồng nghĩa nhu cầu về thép của thế giới tăng, trong khi dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức quốc tế đều khẳng định công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể phục hồi như trước đại dịch. Điều đó có nghĩa, giá thép sẽ có khả năng còn tăng. Ngoài ra, hiện giá thép tăng còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển.
Chưa kể, năng lực sản xuất các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép ống, tôn mạ) của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, nhưng nguyên liệu (quặng sắt, phế thép), nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên (than mỡ, coke, điện cực, vật liệu chịu lửa...), thiết bị dự phòng cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu chi phối bởi thị trường toàn cầu".
Nguồn: https://vneconomy.vn/ghim-cuong-gia-thep-cach-nao-647690.htm